Dân trí Chỉ cần vài thao tác đơn giản với ứng dụng chọn nghề – chọn trường, bạn trẻ sẽ đến với kho dữ liệu với 854 nghề; 913 trường cao đẳng, trung cấp và cơ sở đào tạo khác. Nhiều nghề nghiệp được mô tả từ khâu tuyển chọn, học nghề, thực tập và mức lương khởi điểm…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, ứng dụng chọn nghề – chọn trường trên thiết bị di động mới được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố ngày 23/6.

“Đây là ứng dụng được thiết kế chạy trên thiết bị di động cho hệ điều hành Ios và Android. Mục đích nhằm kết nối các thông tin của giáo dục nghề nghiệp với người dùng và cho phép người dùng đăng ký trực tuyến để vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” – Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Theo đó, ứng dụng có một hệ thống dữ liệu cơ sở dữ liệu cập nhật toàn bộ danh mục nghề đào tạo trình độ Cao đẳng, trung cấp bao gồm 854 nghề, trong đó: 821 nghề trình độ Trung cấp, 558 nghề trình độ Cao đẳng.

Ứng dụng hiện có 913 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 395 trường Cao đẳng; 499 trường Trung cấp; 2 Trung tâm GDTX và 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

Để sử dụng ứng dụng, người dùng vào kho ứng dụng của Google (Google Play) và Apple (Apple Store) để tải về trên thiết bị sử dụng.

Các thông tin về quá trình đào tạo: Các mô đun/ môn học chính, yêu cầu cụ thể đối với người học, chuẩn đầu ra, ai phù hợp với nghề, chi phí đào tạo…

Bạn trẻ có thể tham khảo các thông tin được mô tả các nghề đào tạo: 213 nghề được cập nhật thông tin chính thức.

Về phần mô tả các nghề đào tạo, ứng dụng được thiết kế để giới thiệu tới bạn trẻ các thông tin, gồm: Mô tả nghề, các nhiệm vụ chủ yếu của nghề; vị trí việc làm của nghề; các nghề liên quan tương tự.

Danh sách các cơ sở đào tạo và các thông tin về triển vọng của nghề: Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp; cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc làm; cơ hội nâng cao trình độ/ chuyển đổi nghề nghiệp; thu nhập bình quân/ tháng sau tốt nghiệp; Số lượng sinh viên những năm gần đây…

Như vậy đến nay, Tổng cục đã cung cấp 2 địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trực tuyến: Một là trên nền tảng Web tại địa chỉ: tuyensinh.gdnn.gov.vn; Hai là ứng dụng Chọn nghề – Chọn trường.

Trong định hướng phát triển, ứng dụng sẽ được bổ sung các thông tin, liên kết hữu ích đến các nội dung liên quan của các ngành nghề đào tạo, video, hình ảnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường tương tác trực tuyến giữa quản trị của các cơ sở giáo dục nghề và độc giả, học sinh có nhu cầu. Đồng bộ, kết nối và chia sẻ nhu cầu đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chia sẻ thông tin học viên tốt nghiệp, kết nối cung cầu lao động…” – Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

CHIỀU MAI (15/8), GIAO LƯU TRỰC TUYẾN:

GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP: “HỌC NGHỀ TRƯỚC, ĐẠI HỌC SAU”

Vì sao lương khởi điểm của thợ nghề không thua cử nhân? Doanh nghiệp cần người làm việc hay người có bằng cấp? Tại sao cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân? Kỹ năng gì cần có khi tìm việc? Chọn vào đại học hay học nghề?…

Đây là những vấn đề đang được dư luận quan tâm và sẽ được bàn luận chuyên sâu tại Giao lưu trực tuyến về giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo và việc làm. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Báo điện tử Dân trí thực hiện vào hồi 14h30 ngày 15/8 (thứ 4) tại trụ sở Báo điện tử Dân trí (Hà Nội).

Mục tiêu của chương trình Giao lưu nhằm giúp bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của chọn ngành học, chọn nghề có thêm các thông tin đa chiều và trung thực từ “3 nhà”, gồm: Nhà quản lý, nhà đào tạo và nhà doanh nghiệp.

Trên cơ sở, bạn trẻ sẽ có những quyết định chính xác nhất, phù hợp với năng lực bản thân, sức học để chọn đúng ngành nghề theo học.

Chương trình có sự tham dự và giải đáp của các khách mời:

– Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

– Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search – Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam.

Hoàng Mạnh (Dân trí online)